Bước sang tuần thai thứ 4 chính là giai đoạn phôi thai đang tăng trưởng rất mãnh liệt. Một số bộ phận quan trọng trong cơ thể như tim và hệ tuần hoàn của bé đã bắt đầu được hình thành. Tuy nhiên, thai nhi lúc này chỉ lớn bằng hạt mè và trông giống như một con nòng nọc nhỏ. Mẹ hãy cùng Special Mum khám phá hành trình kỳ diệu này nhé.
Sự phát triển của thai nhi trong tuần thứ 4
Tuần thai thứ 4 đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn phôi thai. Trong khoảng thời gian từ tuần thứ 4 đến tuần 10, tất cả các cơ quan nội tạng của con sẽ bắt đầu phát triển và trong đó một số cơ quan sẽ bắt đầu hoạt động. Do đó đây là lời điểm mà thai nhi dễ chịu tổn thương nhất từ bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Ở giai đoạn này kích thước của em bé chỉ bằng 1 hạt vừng với chiều dài khoảng 0,03cm và trọng lượng khoảng 1,13g.
Những thay đổi của mẹ trong tuần thai thứ 4
Khi mang thai tuần 4, phần lớn các mẹ chưa có bất kỳ thay đổi và dấu hiệu gì, và thường chưa biết bản thân đã mang thai. Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn có dấu hiệu mang thai sớm và mỗi người sẽ có những dấu hiệu khác nhau, không nhất thiết sẽ có tất cả các dấu hiệu, bao gồm một số dấu hiệu mẹ có thể lưu ý:
Mất chu kỳ kinh nguyệt
Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hàng tháng, dấu hiệu tin cậy nhất chứng minh bạn có thai đó là việc chậm ngày kinh, không còn hành kinh.
Tuy nhiên khi bạn có chu kỳ hành kinh không đều, gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn kinh nguyệt thì việc có chảy máu rất ít, tạo đốm hay vệt đỏ trên quần lót. thường khiến bạn nhầm nghĩ mình đang có kinh. Tuy nhiên, việc chảy máu này rất nhẹ, khác với hành kinh thông thường.
Nôn nhẹ
Việc thay đổi khẩu vị, thèm chua, thích ăn một loại thức ăn nào đó là những dấu hiệu của việc ốm nghén. Bên cạnh đó bạn sẽ cảm thấy chảy nước bọt, nhạt miệng, khó chịu. Sau đó, sẽ có cảm giác buồn nôn, nôn khi ngửi mùi 1 số thức ăn. Một số người sẽ có biểu hiện nôn nhiều hoặc đau bụng trên do kích thích dạ dày. Giai đoạn ốm nghén, buồn nôn thường xảy ra từ tuần 4-6 của thai kỳ.
-> Có thể mẹ quan tâm: Giúp mẹ bầu vượt qua ốm nghén dứt điểm và hiệu quả
Căng, đau ngực
Sau khi trứng được thụ tinh ở tuần thứ 2 thai kỳ, ngực của mẹ luôn luôn căng và mỗi ngày một to ra do các tuyến sữa và các ống dẫn sữa phát triển. Bên cạnh đó quầng vú, núm vú có màu sậm hơn. Do tuyến vú tiếp tục phát triển dẫn đến hiện tượng căng, đau ngực.
Tiết dịch âm đạo nhiều
Khi có thai dịch âm đạo sẽ tăng nhiều hơn và có màu trắng đục. Ngoài ra, độ pH của dịch âm đạo cũng thấp hơn (tính acid nhiều hơn). Điều này làm cho các vi khuẩn cư trú tại âm đạo dễ dàng phát triển, và dễ bị nấm. Do đó ngay khi phát hiện sự bất thường như dịch âm đạo đổi màu xanh vàng hoặc cảm thấy ngứa hay đau rát âm đạo. Bạn cần đến ngay cơ sở phụ khoa để thăm khám và điều trị thích hợp.
Mẹo chăm sóc sức khỏe trong tuần mang thai thứ 4
Trong tuần thai thứ 4, đa số các mẹ chưa phát hiện ra mình mang thai. Thường trong tuần thứ 5 - 6 mẹ mới phát hiện bản thân mang thai. Tuy nhiên với các trường hợp bạn đã lên kế hoạch mang thai từ trước, cần có 1 chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt và vận động hợp lý để có một sức khỏe cho thai kỳ hạnh phúc.
Dinh dưỡng
Trong giai đoạn này uống nhiều nước là điều rất quan trọng trong thời kỳ đầu mang thai vì cơ thể mẹ bắt đầu tăng lượng lưu chuyển máu và cơ thể em bé cần nhiều nước. Bên cạnh đó việc uống đủ nước cũng giúp mẹ hạn chế tình trạng mệt mỏi và táo bón do mang thai. Ngoài ra mẹ nên bổ sung thêm sắt, acid, folic và vitamin D thông qua chế độ ăn uống bằng nhiều loại quả củ quả, thức ăn và có thể sử dụng thêm các thực phẩm bảo vệ sức khỏe nếu cần thiết.
Có thể tìm hiểu thêm qua bài viết: Dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng đầu thai kỳ
Vận động
Việc vận động ở tuần mang thai thứ 4 sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ, từ đó giúp chuẩn bị tốt hơn cho sức khỏe của em bé trong thai kỳ. Bài tập thể dục mẹ có thể áp dụng trong tuần thai thứ 4: Bài tập thể dục mang tên “xoay lưng”. Với những động tác đơn giản sẽ giúp mẹ thư giãn các cơ ở gần cột sống. Ngoài ra, còn giúp mẹ giảm đau lưng khi mang thai.
- Bước 1: Ngồi thẳng lưng trên sàn với hai chân bắt chéo nhau.
- Bước 2: Giữ đầu gối phải bằng tay trái, sau đó từ từ xoay thân trên qua bên phải. Giữ tư thế trong vài giây.
- Bước 3: Đổi tay và xoay người sang trái.
- Bước 4: Lặp lại động tác 5 đến 10 lần
Việc theo dõi các thay đổi trong cơ thể trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết. Ngay khi mẹ nghi ngờ đang mang thai, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra và lập kế hoạch quản lý thai nghén. Ở tuần mang thai thứ 5, bé sẽ tiếp tục phát triển các cơ quan, và bộ phận cơ thể hoàn thiện hơn. Mẹ hãy đón đọc nhé!
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.parents.com/pregnancy/week-by-week/4/
2. https://www.verywellfamily.com/4-weeks-pregnant-4158847
3.https://www.momjunction.com/articles/4th-week-pregnancy-symptoms-baby-development-tips-body-changes_0015739/