Vào tuần mang thai thứ 9, cơ thể mẹ tiếp tục thay đổi để bảo vệ và nuôi dưỡng bé đang phát triển. Điều này có nghĩa các triệu chứng của thai kỳ vẫn tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên do bắt đầu quen dần, Mẹ sẽ cảm thấy thích thú với những trải nghiệm mới mẻ và phấn khích ngay cả khi đây không phải lần mang thai đầu tiên của mình. Mỗi lần mang thai là một hành trình đặc biệt mà, đúng không?
Sự phát triển của thai nhi trong tuần thứ 9
Thay đổi cơ thể
Khi mang thai được 9 tuần, các bộ phận cơ thể của trẻ tiếp tục phát triển và thay đổi nhanh chóng. Lúc này em bé của bạn có kích thước tương đương một quả dâu tây với chiều dài khoảng 0,23cm và trọng lượng khoảng 1,98g. Những thay đổi về cơ thể bé trong tuần này có thể kể đến như:
- 2 cơ quan quan trọng não và tim tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tuần này
- Hệ tiêu hóa bao gồm tuyến tụy, ống mật, túi mật, và hậu môn hình thành. Đường ruột dài ra.
- Hệ xương của bé bắt đầu hình thành dù chậm chạp nhưng cũng dần trở nên cứng cáp hơn.
- Cơ quan sinh sản bắt đầu phát triển khi trẻ được 9 tuần tuổi, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể biết được bào thai là trai hay gái, phải đến tuần 18 -21 thì bộ phận sinh dục của trẻ mới hiện rõ.
- Các ngón tay, ngón chân, đầu gối và khuỷu tay cũng dần hiện lên rõ nét hơn. Tuy nhiên các ngón tay và ngón chân chưa thực sự được phân rõ ràng mà mới chỉ có những rãnh nhỏ.
Và một điểm thay đổi rõ rệt ở tuần thai này đó là các cơ quan gan, thận, não, ruột của bé đã bắt đầu đi vào hoạt động để sản xuất tế bào máu đỏ thay cho túi noãn hoàng đã biến mất và sẽ tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ.
Đặc điểm khuôn mặt
Khuôn mặt của bé trong tuần thai này đã dễ nhận biết hơn so với các tuần thai trước.
- Mắt của bé trong tuần vẫn nhắm nhưng đã có đầy đủ sắc tố võng mạc và được bảo vệ bởi mí mắt.
- Xương vòm miệng đã bắt đầu quá trình hợp nhất.
- Đôi tai của bé dần hình thành từ bên ngoài đến bên trong và thính giác của bé cũng trở nên nhạy hơn.
Những thay đổi của mẹ trong tuần thai thứ 9
Bước vào tháng cuối cùng của tam nguyệt thứ nhất, cơ thể mẹ tiếp tục có những thay đổi để bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi đang phát triển. Một số thay đổi bên ngoài mẹ có thể dễ dàng nhận biết nhưng cũng có những thay đổi mẹ khó có thể cảm nhận được.
Ợ nóng
Trong tuần thai này mẹ bầu vẫn tiếp tục bị ợ nóng do sự gia tăng hormone progesterone làm giãn cơ trơn trong cơ thể bao gồm cơ trơn đường tiêu hóa, do đó làm chậm quá trình tiêu hóa vì vậy mẹ có thể hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn từ thức ăn. Tuy nhiên có một cơ vòng ở đầu dạ dày có bản chất là cơ trơn với vai trò giữ cho thức ăn và acid trong dạ dày giảm xuống. Trong trường hợp bị giãn ra, thức ăn và acid sẽ dâng trào ngược lên thực quản và gây ra chứng ợ nóng và khó tiêu ở mẹ bầu.
Tìm hiểu thêm về cách đối phó ợ nóng khi mang thai
Căng tức ngực
Sự gia tăng lượng estrogen (nội tiết tố nữ) và progesterone (hoóc môn giới tính nữ có chức năng duy trì sự phát triển của thai nhi) kích thích ngực, tuyến vú phát triển và ngực sẽ trở nên căng đầy hơn. Vùng da xung quanh hai đầu vú lớn hơn, sậm màu hơn và các hạt Montgomery tiếp tục nổi rõ hơn so với tuần thứ 8. Ngực đau và cương cứng là triệu chứng bình thường. Thời điểm này mẹ nên mua loại áo ngực dành cho phụ nữ mang thai cho con bú để cảm thấy thoải mái hơn trong sinh hoạt.
Mất ngủ
Do cơ thể quá mệt mỏi khi phải huy động máu và oxy để hình thành nhau thai, nuôi dưỡng bào thai nên khoảng thời gian ba tháng đầu thai kỳ là thời điểm bà bầu sẽ thường mất ngủ nhiều nhất. Ngoài ra, việc tăng kích thước của thai nhi theo thời gian làm giãn nở khung chậu của mẹ vì vậy chèn ép vào các mạch máu gây phù chân, đau lưng làm cho mẹ khó ngủ.
Tử cung phát triển
Trước khi mang thai, tử cung của mẹ có kích thước chỉ bằng một quả lê nhỏ nhưng lúc này tử cung đã lớn bằng quả bưởi. Mẹ nên sử dụng quần áo bầu từ lúc này vì những bộ quần áo hàng ngày có lẽ đã chật khít và cả quần lót cũng vậy. Phần giữa cơ thể mẹ bắt đầu tròn lên có thể là do tăng cân nhẹ và đầy hơi.
Các thay đổi, triệu chứng thường gặp khác
Trong khoảng thời gian mang thai tuần 9, người mẹ có thể gặp phải những triệu chứng khác như:
- Mệt mỏi nhiều hơn và thường xuyên hơn.
- Buồn nôn nhiều hơn
- Tâm trạng lâng lâng
- Trong miệng có vị kim loại hơi khó chịu.
- Có thể bị đau đầu
- Thèm một số món ăn nhất định như thịt, bánh ngọt, trái cây có vị chua,…
- Khứu giác nhạy cảm hơn.
- Da sạm đen hơn.
- Tóc dày và sáng hơn
Những triệu chứng trên là hoàn toàn bình thường trong giai đoạn này. Vì vậy mẹ không cần quá lo lắng, mà hãy giữ một tâm trạng thật thoải mái trong giai đoạn này nhé.
Mẹo chăm sóc sức khỏe trong tuần mang thai thứ 9
Đối phó với ốm nghén vào buổi tối: Nếu thường xuyên bị ốm nghén vào buổi tối và không thể ăn được gì, mẹ nên cố gắng ăn nhiều chất dinh dưỡng vào buổi sáng và trưa. Buổi tối, mẹ nên lựa chọn những thức ăn nhẹ nhàng như bánh, trái cây, sữa…
Dinh dưỡng
Vốn dĩ, dinh dưỡng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể lực của con người, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai thì việc đế độ dinh dưỡng càng quan trọng không kém. Vậy trong tuần thai thứ 9 này mẹ nên ăn gì, không nên ăn gì?
Mẹ nên ăn và bổ sung dinh dưỡng gì?
- Uống bổ sung acid folic với lượng 1.000 mcg mỗi ngày
- Bổ sung thêm canxi với lượng 800mg mỗi ngày
- Bổ sung vitamin phức hợp bằng việc ăn trái cây: cam, bưởi, kiwi, táo, chuối…
- Duy trì thực đơn giàu dinh dưỡng để cung cấp đủ dưỡng chất cho sự phát triển của bé. Mẹ nên uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh để hạn chế tình trạng táo bón đồng thời giúp làn da khỏe đẹp hơn.
Vận động
Giai đoạn này mẹ bầu nên tăng cường các bài tập cơ bắp và sức chịu đựng sẽ giúp mẹ giảm sự khó chịu vì trọng lượng cơ thể tăng thêm trong thai kỳ. Một số lợi ích mà vận động đem lại cho mẹ bầu trong thai kỳ
- Giúp giảm nhẹ các triệu chứng đau lưng, phù, mệt mỏi.
- Tăng cường quá trình trao đổi chất.
- Nâng cao khả năng cung cấp oxy và dưỡng chất cho bào thai trong suốt thai kỳ.
- Giúp mẹ cảm thấy tốt hơn về cả thể chất và tinh thần.
- Nâng cao khả năng chịu đau khi chuyển dạ.
Một số bài tập thể thao trong giai đoạn này mẹ có thể tham khảo qua bài viết: Bài tập thể dục tốt cho mẹ bầu
Tìm hiểu thêm về tuần thai thứ 10 sắp tới mẹ nhé
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.parents.com/pregnancy/week-by-week/9/
2. https://www.verywellfamily.com/9-weeks-pregnant-4158922
3. https://www.momjunction.com/articles/10th-week-pregnancy-symptoms-baby-development_0079/