Tuần thai thứ 5 là giai đoạn mẹ cảm thấy hạnh phúc hơn bất cứ giây phút nào vì thời điểm này mẹ biết rằng trong cơ thể mình đang có một sinh linh bé nhỏ đang hình thành. Mẹ cảm thấy vui mừng nhưng cũng lo lắng không biết con đang phát triển như thế nào, cơ thể mình sẽ thay đổi ra sao. Hãy cùng Special Mum khám phá những thay đổi của mẹ và bé trong tuần thai thứ 5 này nhé.
Sự phát triển của thai nhi trong tuần thứ 5
Trong tuần thai thứ 5, thai nhi có kích thước rất nhỏ, cỡ bằng hạt vừng. Hình dạng thai nhi trông giống như một con nòng nọc nhỏ. Với chiều dài khoảng 0,13cm, trọng lượng khoảng 11,34g.
Vào thời điểm thai 5 tuần tuổi, não, tủy sống, tim và mạch máu của thai nhi dần được hình thành. Trong đó các ống thần kinh sẽ tạo thành tủy sống, tủy sống chạy dọc theo phôi thai và hình thành não bộ. Bên cạnh đó ở trung tâm của phôi thai có một phần phình to ra sẽ phát triển thành trái tim của thai nhi.
Tuần này tim bé sẽ đập những nhịp đầu tiên, mặc dù chưa thể nghe thấy nhưng mẹ có thể nhìn thấy những chuyển động trên màn hình siêu âm và nhịp tim sẽ rõ ràng hơn vào tuần thứ 6 và tuần thứ 7. Phần lớn sự phát triển của bào thai trong giai đoạn này tập trung chủ yếu vào bộ não. Ước lượng có khoảng 100 tế bào não được hình thành mỗi phút. Do đó, mẹ sẽ thường xuyên cảm thấy đói vì vậy cần cung cấp nhiều năng lượng hơn để đáp ứng cho sự phát triển mạnh mẽ của thai.
Những thay đổi của mẹ trong tuần thai thứ 5
Trong tuần thai thứ 5, đa số mẹ bầu đã phát hiện và xác định được mình có thai. Ở giai đoạn này thể chất và cảm xúc của mẹ có những thay đổi nhất định mà mẹ cần lưu ý.
Thay đổi về thể chất
Những thay đổi trên cơ thể mẹ khi mang thai tuần 5 có thể kể đến như:
- Chu kỳ kinh nguyệt bị trễ
- Buồn nôn và đặc biệt nhạy cảm với các món ăn có mùi lạ.
- Ngực mềm, đau và có kích thước dần dần to hơn bình thường do sự phát triển của tuyến sữa.
- Có cảm giác thèm ăn hơn so với trước đó.
- Thường bị đau lưng, chuột rút.
- Tăng thân nhiệt.
Thay đổi về cảm xúc
Tuần thai thứ 5, mẹ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi do cơ thể sản xuất nhiều máu hơn để mang khí oxi và dưỡng chất cho thai nhi. Sự gia tăng lượng máu có thể làm nhịp tim tăng lên để đáp ứng nhu cầu cho mẹ và thai nhi, những thay đổi này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi, chóng mặt hay nhức đầu ở mẹ bầu.
Bên cạnh đó sẽ có những thay đổi về cảm xúc rõ rệt trong giai đoạn này. Mẹ có thể ủ rũ, tức giận và ngay sau đó lại vui vẻ, phấn chấn như chưa từng có gì xảy ra. Những gì mẹ đang trải qua là thay đổi hoàn toàn bình thường khi mang thai và không đáng lo. Những cảm xúc đó một phần do sự bộc phát của nội tiết tố, một phần do cuộc sống của mẹ đang có sự thay đổi lớn, cũng gây ra sự xúc động và áp lực.
Sự thay đổi cảm xúc thất thường của mẹ bầu sẽ biểu hiện rõ ràng hơn trong những tháng tiếp theo hoặc cuối thai kỳ. Mẹ sẽ ngạc nhiên hơn khi biết rằng có khoảng 10-12% phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai, tương đương với tỷ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh. Vì vậy nếu cảm thấy chán nản trong thời gian dài, mẹ hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám luôn nhé.
Mẹo chăm sóc sức khỏe trong tuần mang thai thứ 5
Trong tuần thai thứ 5 đa số mẹ bầu đã xác định được việc bản thân có thai, vì vậy từ giai đoạn này mẹ bắt đầu cần thiết lập 1 chế độ dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi khoa học và hợp lý hơn để chuẩn bị tốt tinh thần và sức khỏe cho 1 thai kỳ khỏe mạnh, hạnh phúc.
Chế độ dinh dưỡng
Để phát triển toàn diện, thai nhi cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất như axit folic, canxi, sắt, vitamin D,vitamin A, vitamin C, các nguyên tố vi lượng như magie, selen, i-ốt, kẽm, vitamin nhóm B, DHA/EPA,...... Đặc biệt trong tuần thai thứ 5, hệ thống thần kinh và não bộ của trẻ bắt đầu phát triển, cần nguồn năng lượng lớn và acid folic hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống thần kinh.
Nặng lượng: Cùng với sự phát triển của thai nhi, nhu cầu năng lượng của thai phụ cũng thay đổi đáng kể. Trung bình mẹ mang thai trong 3 tháng đầu cần cung cấp khoảng 2300-2400kcal/ ngày. Do đó mẹ cần bổ sung xây dựng 1 chế độ dinh dưỡng hợp lý để đáp ưng được nhu cầu cần thiết trong thai kỳ cho cả mẹ và bé. Có thể tham khảo thêm: Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng đầu thai kỳ
Acid folic: Việc bổ sung acid folic giúp làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh hay tật nứt đốt sớng trong bào thai. Mẹ bầu có thể bổ sung acid folic qua các loại thực phẩm như rau xanh rau xanh (cải xanh, rau muống, đậu lăng...), thịt gia cầm, ngũ cốc,... các loại hoa quả (cam, bơ, dưa vàng). Ngoài ra, mẹ cũng có thể dùng thêm viên uống bổ sung axit folic theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
Chế độ vận động
Việc tập thể dục trong thai kỳ đem lại những lợi ích đáng kể cho mẹ bầu suốt 9 tháng mang thai cho đến khi sinh nở. Mẹ hãy thực hiện những lưu ý sau để đảm bảo có một chế độ vận động thích hợp:
- Nói chuyện với bác sĩ về những thay đổi trong chương trình thể dục hoặc động tác có lợi sức khỏe hàng ngày.
- Tập các động tác vươn duỗi! Việc bắt đầu và kết thúc tập luyện với động tác vươn duỗi ra giúp ngăn ngừa căng thẳng cơ bắp.
- Đứng lên từ từ nếu đang nằm hoặc đang ngồi để tránh cảm giác choáng váng hoặc bị ngất.
- Nên tập khoảng 30 phút trên ngày cho các ngày trong tuần.
Bên cạnh đó có nhiều loại bài tập giúp làm dịu những đau nhức liên quan đến việc mang thai như: đi bộ, bơi lội, v.v… Mẹ hãy thử trải nghiệm để xác định xem môn thể thao nào sẽ phù hợp với bản thân trong thai kỳ này.
Chế độ nghỉ ngơi
Khoảng thời gian bắt đầu mang thai, mẹ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thay đổi cảm xúc thất thường. Vì vậy ngoài chế độ dinh dưỡng, vận động mẹ cũng nên kết hợp thêm 1 chế độ nghỉ ngơi phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ bầu và thai nhi.
Cho dù mẹ đang cảm thấy như thế nào, mẹ hãy nhớ đảm bảo ngủ đủ giấc 8 tiếng/ ngày, đây là biện pháp giúp mẹ cải thiện tâm lý và cảm xúc cực kỳ hiệu quả. Ngủ đủ 8 tiếng 1 ngày có thể giúp mẹ tạo ra 1 thế giới khác biệt về cảm xúc và sức khỏe.
Câu hỏi của tuần
Những thực phẩm không nên ăn?
Dù cần bổ sung khá nhiều nguồn dinh dưỡng và năng lượng trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên có 1 số loại thực phẩm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của mẹ bầu trong thai kỳ và có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi. Một số thực phẩm mẹ cần lưu ý như:
Sữa tươi chưa được tiệt trùng
Thịt gia cầm, thịt bò, hải sản, trứng chưa nấu chín hoặc tái.
Hải sản hun khói
Các loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao như: cá kiếm, cá nóc, cá thu và cá ngừ mắt
Bánh ngọt chứa nhiều tinh bột.
Những điều nên tránh
Trong giai đoạn này cơ thể mẹ cực kỳ nhạy cảm nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ dễ gây ra những hậu quả không mong muốn. Do đó có những việc mẹ nên tránh trong tuần thai thứ 5 cần để đến như:
- Uống thuốc tùy tiện, không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Thức khuya.
- Uống rượu bia hoặc các thức uống có cồn.
- Hút thuốc lá.
- Nhuộm tóc, xăm mình, lao động nặng,…
Hy vọng qua bài viết mẹ bầu sẽ nắm bắt được những thông tin về mang thai tuần 5. Nhờ đó sẽ có được kế hoạch chăm sóc chu đáo nhất để cho bản thân và thai nhi. Vậy tuần mang thai thứ 6 sẽ có điều gì đặc biệt hơn tuần thai thứ 5 này không? Hãy cùng Special mum khám phá mẹ nhé
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.parents.com/pregnancy/week-by-week/5/
2. https://www.verywellfamily.com/5-weeks-pregnant-4158868
3.https://www.momjunction.com/articles/5th-week-pregnancy-symptoms-baby-development-tips-body_0047/