Bước vào những tháng cuối thai kỳ, em bé của mẹ đang lớn nhanh hơn bao giờ hết. Hãy cũng special mum tìm hiểu xem em bé đã thay đổi những gì ở tuần thai này và mẹ cần lưu ý những gì cho những tuần thai cuối này mẹ nhé
Sự thay đổi của thai nhi 30 tuần tuổi
Hình thể
Thai nhi 30 tuần tuổi có kích thước lớn bằng một cái bắp cải lớn với chiều dài khoảng 39,9cm và trọng lượng khoảng 1,41kg. Đến tuần tuổi này, tay, chân và thân mình của bé đã trở nên ngày càng mũm mĩm hơn và da cũng bớt nhăn nheo hơn so với các tuần thai trước do lớp mỡ tích tụ dưới da ngày một dày hơn. Từ tuần thai này cân nặng của bé cũng sẽ tăng đáng kể (mỗi tuần tăng khoảng 500g) để chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ sau khi sinh
Bộ não của trẻ
Để đảm bảo được chức năng sinh lý sau khi ra đời, từ tuần thai 30 não bộ của trẻ phát triển với tốc độ nhanh chóng. Nếu như trước đó não bộ của trẻ khá ít nếp nhăn thì hiện nay số lượng các nếp nhăn các rãnh và vết lõm đặc trưng đang dần xuất hiện với số lượng lớn. Những nếp nhăn này giúp tăng lượng mô não- dự thay đổi cần thiết khi em bé chuẩn bị phát triển trí thông minh.
Lông tơ biến mất
Với sự xuất hiện lớp mỡ tích trữ dưới da cùng sự phát triển của bộ não giúp điều chỉnh nhiệt độ giữ ấm cho cơ thể trẻ sau sinh. Vì vậy lớp lông tơ mềm mại bao phủ cơ thể trẻ đang dần biến mất. Tuy nhiên bạn vẫn có thể nhìn thấy một vài sợi lông tơ còn sót lại trên lưng, vai của trẻ sau khi sinh.
Tủy xương chính thức tạo hồng cầu
Sau một thời gian dài hình thành và phát triển, từ tuần thai thứ 30, tủy xương của trẻ chính thức đảm nhiệm vai trò sản xuất các tế bào hồng cầu cho cơ thể. Nếu như trước đó việc sản xuất hồng cầu này do mô và lá lách chịu trách nhiệm, đây là một sự thay đổi quan trọng và có ý nghĩa với sự sinh trưởng và phát triển của trẻ.
Thị giác
30 tuần tuổi, thai nhi đã có thể phân biệt được môi trường xung quanh. Tầm nhìn của trẻ trong tuần thai này đã tăng hơn so với tuần thai trước. Sau khi sinh, em bé có thể nhìn được các đồ vật trong khoảng cách từ 20-35cm. Tuy nhiên em bé sẽ không thể theo dõi các chuyển động bằng mắt cho đến khi được 3 tháng tuổi.
Những sự thay đổi của mẹ bầu tuần thai 30
Tử cung co bóp
Sang tuần thai thứ 30, mẹ vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những cơn co thắt tử cung hay còn gọi là cơn co thắt Braxton Hicks.
Thường những cơn co thắt kéo dài khoảng 30 giây, tần suất dù không nhiều, không gây đau, tuy nhiên vẫn gây ra những khó chịu cho mẹ bầu.Ngoài ra mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý, phân biệt giữa những cơn co thắt này và dấu hiệu sinh non. Nếu xuất hiện > 4 cơn co thắt trong 1 giờ hoặc có các dấu hiệu của sinh non khác như: tiết dịch âm đạo nhiều, dịch trở nên loãng, có máu, đau bụng nhiều,... cần nên đi viện ngay.
Có thể tìm hiểu thêm: Dấu hiệu của sinh non.
Bụng và ngực lớn hơn
Càng về những tuần cuối thai kỳ, ngực và bụng của mẹ bầu sẽ ngày một lớn hơn. Việc nhìn thấy đầu gối khi đứng thẳng dần trở lên khó khăn với mẹ bầu. Ngực và phần đầu của bụng không còn cách nhau bao nhiêu. Khoảng thời gian này việc mặc áo bầu dành riêng cho mẹ bầu sẽ khiến mẹ thoải mái hơn, bời vì bầu ngực của mẹ ngày càng to hơn và nặng hơn.
Những thay đổi về cảm xúc
Liệu mẹ có cảm thấy thật bức bối, thật mệt mỏi, mong thật sao đến ngày sinh để chấm dứt những ngày tháng uể oải, nặng nề này, mẹ cảm thấy chỉ có một mình mình phải gánh vác thai kỳ?
Việc thay đổi hormone vào những tháng cuối thai kỳ khiến mẹ bầu sẽ phát sinh những cảm xúc tiêu cực. Hãy chia sẻ những điều này cùng người thân và cùng nhau tìm hướng giải quyết nếu không muốn những cảm xúc này tiến triển thành bệnh trầm cảm nhé mẹ.
Lời khuyên cho mẹ bầu
Đối phó với vấn đề sưng chân
Tình trạng sưng chân vào những tháng cuối thai kỳ là khó tránh khỏi. Để cải thiện tình trạng này khi ngồi hoặc khi nằm mẹ nên gác chân lên cao một chút. Tuy nhiên trường hợp nếu tình trạng sưng phù gây đau nhức và nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mẹ nên đến bệnh viện hoặc phòng khám để nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia y tế.
Chế độ dinh dưỡng tuần thai 30
Việc cung cấp thật nhiều năng lượng từ tuần thai thứ 30 này là vô cùng cần thiết cho sự phát triển nhanh chóng của bé sắp tới. Mẹ bầu cần tăng thêm từ 200-300 kcal một ngày cho khẩu phần ăn. Tuy nhiên 200-300 kcal này chỉ tương đương 1 chén cháo nhỏ hoặc một cốc sinh tố trái cây và sữa chua không đường thôi mẹ nhé.
Bên cạnh đó để hỗ trợ thêm sự phát triển trí tuệ cho trẻ, mẹ cần b ổ sung thêm một số nguồn thực phẩm giàu DHA/ EPA như trứng, sữa chua, các loại cá biển (cá hồi, cá ngừ,...), thịt gà, đậu,...
Bài tập cho mẹ bầu
Vào những tuần gần cuối thai kỳ mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về những bài tập giúp giãn các cơ tầng sinh môn hỗ trợ cho quá trình sinh sản sau này. Nếu như mẹ định sinh thường, tầng sinh môn của mẹ cần phải giãn rất nhiều để em bé có thể chui ra. Đôi khi nhiều mẹ bầu cần phải phẫu thuật để mở cửa âm đạo rộng hơn, vì vậy mẹ nên luyện tập để tránh việc phẫu thuật.
Vậy là tuần thai 30 đã khép lại, cùng khám phá tuần thai 31 tại đây mẹ nhé.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.parents.com/pregnancy/week-by-week/30/
2. https://www.verywellfamily.com/30-weeks-pregnant-4159146
3. https://www.momjunction.com/articles/30th-week-pregnancy-symptoms-baby-development-tips-body-changes_00105633/