Thai nhi đã chính thức bước sang tuần tuổi thứ 23. Thời điểm này có lẽ có rất nhiều điều mà mẹ phải lo lắng và bắt đầu cần chuẩn bị. Nhưng mẹ hãy cứ bình tĩnh, còn hơn 3 tháng nữa, đủ để mẹ chuẩn bị tất cả cùng với gia đình. Còn bây giờ hãy dành chút thời gian để xem em bé đã phát triển đến đâu rồi mẹ nhé.
Sự thay đổi của thai nhi tuần 23
Hình thể
Vào tuần thai thứ 23, thai nhi ngày càng có hình dáng giống một em bé hơn. Với chiều dài khoảng 28,91 cm và trọng lượng trung bình khoảng 498,30g, thai nhi lúc này có kích thước tương tương như một củ khoai lang. Tuần thai này chất béo đã tích tụ tạo nên lớp mỡ dưới da vì vậy lớp da của trẻ đã bớt nhăn nheo hơn, và có thêm sự xuất hiện của những đám lông trên mặt. Những đám lông này sẽ biến mất nhanh thôi khi bé chuẩn bị chào đời.
Hệ thần kinh
Bề mặt não bé trong tuần này bắt đầu hình thành các nếp gấp. Quá trình này sẽ kết thúc vào khoảng tuần thai thứ 34 khi não bé có đủ diện tích bề mặt cho các tế bào não. Não bé sẽ phát triển hàng tỷ tế bào trong vài tuần tới với chức năng kiểm soát tất cả các chuyển động và cảm giác cũng như các chức năng sống cơ bản khác.
Hệ tim mạch
Tuần thai này mẹ có thể nghe được nhịp tim của con thông qua ống nghe sản khoa rồi. Thai nhi lúc này thường sẽ có nhịp tim nhanh và gấp nhiều lần so với mẹ. Mẹ có thể nghe nhịp tim của bé cả ngày mà không biết chán.
Hệ hô hấp
Trong tuần thai này phần lớn sự phát triển của em bé sẽ tập trung vào việc chuẩn bị cho chức năng thở sau khi được sinh ra. Cụ thể, để thích nghi với cuộc sống bên ngoài sau này, phổi của em bé đã hình thành nhiều đơn vị nhỏ, mỗi chồi phổi sẽ phát triển thành một bộ phận hô hấp độc lập. Tuy hình thái đã hoàn thiện sơ bộ nhưng phổi của em bé vẫn chưa thực hiện được các chức năng mà sẽ phải đợi thêm 1-2 tuần nữa vì vậy hiện nay quá trình trong đổi oxy và Co2 của thai nhi được thực hiện thông qua nhau thai và dây rốn là chính.
Những thay đổi của mẹ bầu trong tuần thai 23
Hệ tuần hoàn
Huyết áp của mẹ bầu có thể sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn trong những tuần thai này. Có thể sang tuần thai thứ 24, mức huyết áp của mẹ bầu có thể quay trở lại mức bình thường trước khi mang thai. Tuy nhiên tình trạng huyết áp thấp kéo dài tro0ng những tuần thai này khiến mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, xuất hiện tình trạng nghẹt mũi, chảy máu cam, chảy máu nướu răng do việc tăng lưu lượng máu đến đường mũi và nướu.
Tuyến sữa
Càng về những tháng cuối thai kỳ, ngực của mẹ lại càng phát triển để chuẩn bị sẵn sàng cho việc sinh em bé. Các tuyến vú đã sẵn sàng cung cấp sữa ngay từ tuần thai thứ 23, do đó có thể xuất hiện tình trạng xuất hiện những giọt dịch màu hơi vàng, hoặc chứa nước ở núm vú mẹ được gọi là sữa non. Điều này là hoàn toàn bình thường và ngay cả khi không xuất hiện tình trạng này cũng là bình thường nên mẹ đừng quá lo lắng.
Đau lưng thai kỳ
Tình trạng đau lưng có thể tiếp diễn trong tuần thai thứ 23. Xương sống dưới của mẹ bầu tiếp tục cong ra phía sau giúp mẹ giữ thăng bằng. Việc thiếu thăng bằng trong giai đoạn này là một triệu chứng bình thường của thai kỳ khi bé đang lớn nhanh.
Tìm hiểu thêm về cách giảm đau lưng thai kỳ: 6 cách giảm đau lưng hữu ích cho mẹ bầu.
Lời khuyên cho mẹ bầu trong tuần thai thứ 23
Bổ sung vitamin D
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc thiếu vitamin D trong thai kỳ có thể dẫn tới nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, thở khò khè ở trẻ. Vì vậy mẹ bầu cần đảm bảo bổ sung đủ vitamin D cho thai kỳ. Tuy nhiên việc bổ sung vitamin D trong thai kỳ cần tuân theo chỉ định của các chuyên gia y tế.. Bên cạnh đó mẹ có thể tự bổ sung vitamin D thông qua biện pháp phơi nắng 1 cách an toàn bằng việc phơi nắng 5-30 phút mỗi ngày. Đồng thời bổ sung vitamin D thông qua 1 số thực phẩm như sữa, nước cam hoặc ngũ cốc
Chăm sóc cho đôi mắt
Nếu trong thời gian mang thai, mẹ có gặp bất kỳ các vấn đề nào liên quan đến mắt cần đến bệnh viện kiểm tra ngay. Đa số các thay đổi về mắt, thị lực trong thời gian mang thai đều không quá nguy hiểm và sẽ giảm dần rồi biến mất sau khi sinh em bé. Tuy nhiên một số đối tượng có yếu tố nguy cơ huyết áp cao hay tiểu đường thai kỳ rất dễ xảy ra những vấn đề nghiêm trọng hơn, do đó vẫn cần được sự thăm khám và tư vấn từ các bác sĩ.
Học cách thư giãn
Việc lo lắng, stress trong mỗi tuần thai trôi qua là khó tránh khỏi. Tuy nhiên mẹ cần giữ tinh thần thoải mái và một sức khỏe tốt để đảm bảo cho cả em bé và cả chính bản thân mẹ. Việc thư giãn cơ thể thông qua yoga là vô cùng hữu ích với mỗi mẹ bầu.
Yoga là một phương pháp giảm căng thẳng tuyệt vời, mẹ có thể tham gia các lớp học yoga hoặc có thể tự tập yoga tại nhà. Mẹ có thể tham khảo thêm các bài tập yoga dành cho mẹ bầu tại đây.
Chào tuần thai thứ 23, chào thai nhi 23 tuổi. Cùng tìm hiểu thai nhi tuần 24 với Special mum nhé mẹ.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.parents.com/pregnancy/week-by-week/23/
2. https://www.verywellfamily.com/23-weeks-pregnant-4159036
3. https://www.momjunction.com/articles/23rd-week-pregnancy-symptoms-baby-development-tips-body-changes_0081361/