Mang thai tuần 16: Những điều mẹ cần biết

special-mum-tuan-16

Mẹ đã trải qua khoảng 3 tuần kể từ tam nguyệt thứ hai. Vào tuần thai tuần thứ 16, em bé sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện các cơ quan chức năng. Vì bé càng lớn nên tuần hoàn máu trong cơ thể mẹ cũng tăng lên. Điều này có thể sẽ gây ra một số vấn đề khó chịu cho mẹ như: giãn tĩnh mạch ở chân, thường xuyên nghẹt mũi,.... Trong bài viết sau Special Mum sẽ cung cấp đến mẹ những thông tin hữu ích nhất cho tuần thai thứ 16 này.

Sự phát triển của thai nhi trong tuần thứ 16

special-mum-tuan-16-hinh-anh-thai-nhi

Vào tuần thai thứ 16 của thai kỳ, em bé có kích thước như 1 quả bơ với chiều dài của bé khoảng 11.61cm và trọng lượng của bé trung bình khoảng 100.08g. Tuần thai này em bé đang chuẩn bị cho một sự phát triển nhanh chóng vào tuần thai tới. Một số sự thay đổi của thai nhi trong tuần này mẹ có thể biết đến như: 

  • Đầu của thai nhi đang dần cứng hơn so với những tuần trước đó
  • Hệ thống xương và thần kinh của thai nhi đã liên kết với nhau do đó tạo ra những chuyển động của chân tay và cơ thể. Bên cạnh đó, các xương của bé hình thành và ngày càng trở nên cứng hơn nhờ vào lượng canxi từ cơ thể mẹ.
  • Về hệ thống sinh sản, nếu như thai nhi là một bé giá thì hàng triệu quả trứng đang được hình thành tại buồng trứng của trẻ trong tuần thai này. 
  • Ngoài ra, cơ mặt bé đã phát triển gần như hoàn thiện. Thai nhi đã bắt đầu biết biểu cảm trên khuôn mặt như cau mày, nhăn nhó, nheo mắt,.. Tuy nhiên, những cử động này hoàn toàn vô thức với bé. Mắt của bé di chuyển qua lại, và thậm chí nhìn thấy ánh sáng, tuy nhiên, đôi mắt bé vẫn còn rất nhạy cảm với ánh sáng mặc dù hai mí mắt vẫn nhắm kín. 

Những thay đổi của mẹ trong tuần thai thứ 16

Sự thay đổi về thể chất

special-mum-tuan-16-tu-cung-phat-trien

Vào tuần thai thứ 16, tử cung của bạn có kích thước bằng 1 quả dưa lưới nhỏ. Khi sờ vào bụng bạn sẽ chạm được vào đỉnh tử của tử cung lúc này đã gần tiếp cận với rốn. Trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ đo chiều cao của tử cung để kiểm tra và so sánh sự phát triển của thai nhi với những lần khám thai trước đó.

Tuần thai 16 này, các mẹ bầu dần bắt đầu xuất hiện tình trạng rạn da do cơ thể lúc này đã tăng lên vài cân. Các vết rạn da ở vùng bụng, ngực, háng và đùi bắt đầu xuất hiện. Tình trạng rạn da thai kỳ sẽ khiến da mẹ trở nên khô hơn vì vậy mẹ nên dùng sữa dưỡng thể để dưỡng cho da mềm mại hơn. Tuy nhiên, không phải biện pháp nào cũng sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt cũng như cải thiện được tình trạng rạn da này. Vì vậy mẹ nên tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra phương pháp cải thiện thích hợp.

Có thể tìm hiểu thêm tại bài viết: Top 7 biện pháp giúp mẹ giảm rạn da khi mang thai

Tình trạng ngáy khi mang thai thường sẽ bắt đầu xuất hiện vào tuần thai thứ 16 dù trước đó bạn chưa từng ngáy khi đi ngủ. Nguyên nhân được cho là do mũi bị nghẹt, tình trạng này thường xuyên xảy ra ngay cả khi mẹ không bị cảm lạnh hay bị dị ứng. Vì vậy để có thể ngủ tốt hơn mẹ không nên cố nằm ngửa hay nằm sấp. Việc nằm ngủ nghiêng 1 bên và đặt một cái gối dưới chân sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu và cũng giúp cho máu đến thai nhi được dễ dàng, tình trạng ngủ ngáy sẽ giảm bớt. Trường hợp mũi bị khô, mẹ có thể sử dụng thuốc xịt thông mũi với công dụng làm lỏng các chất nhầy, đồng thời giúp làm ẩm và thông mũi.

Những thay đổi về cảm xúc khi mang thai tuần 16 

Vào giai đoạn thai nhi tuần 16, nhiều thai phụ cho rằng họ cảm nhận được sợi dây liên kết vô hình giữa họ và con, một mối liên hệ đặc biệt chưa từng có trước đó khi mang thai tháng thứ 4. Vì vậy, họ muốn giữ bí mật về những cử động của con cho riêng mình. Điều này cũng dễ hiểu. Tuy vậy, bạn nên chia sẻ những thông tin thú vị đó với ông xã để cả hai cùng cảm nhận được niềm vui sắp được làm cha mẹ.

Khi thai 16 tuần, bạn cũng nên bắt đầu nghĩ đến những kế hoạch chuẩn bị cho ngày sinh bé. Bụng của bạn ngày càng to và nặng hơn vì bé đang di chuyển xuống dưới. Hãy cùng người thân bắt đầu lên kế hoạch để chuẩn bị tốt nhất cho việc bé chào đời. 

Mẹ cần chú ý gì khi mang thai tuần thứ 16?

Ngăn ngừa giãn tĩnh mạch

special-mum-tuan-16-gian-tinh-mach-thai-ky

Giãn tĩnh mạch là tình trạng thường gặp khi mang thai. Do lưu lượng máu tăng lên trong thai kỳ để nuôi dưỡng cho cả mẹ và thai nhi vì vậy các mạch máu sẽ dãn ra hơn so với bình thường. Đồng thời, quá trình máu chảy từ chân đến xương chậu của mẹ có thể bị chậm lại. Sự kết hợp này làm cho các van tĩnh mạch ở chân bị yếu, dẫn đến giãn tĩnh mạch. 

Giãn tĩnh mạch có thể khiến một số phụ nữ sẽ cảm thấy đau chân, khó chịu, đôi khi đi kèm cảm giác nóng rát. Vì vậy để phòng ngừa giãn tĩnh mạch, hãy thử áp dụng những biện pháp sau:

  • Tránh đứng lâu trong thời gian dài. 
  • Không nên ngồi bắt chéo đùi, vì tư thế này sẽ làm chậm quá trình tuần hoàn.
  • Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng tuần hoàn máu.
  • Không nên mặc quần áo bó ở đùi và eo, vì nó có thể cản trở tuần hoàn máu ở chân và làm suy giãn tĩnh mạch.

Cải thiện tình trạng nghẹt mũi

Nghẹt mũi là vấn đề phổ biến mẹ bầu hay gặp trong thai kỳ. Một số mẹ bầu còn có thể kèm theo chảy máu cam thường xuyên ơn. Nguyên nhân là do sự tăng lưu lượng máu trong cơ thể khi mang thai. Nếu tình trạng nghẹt mũi khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để làm lỏng dịch tiết của mũi
  • Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%  giúp làm thoáng và làm sạch lỗ mũi.
  • Khi ngủ nên nằm gối cao kê cao đầu sẽ giúp giảm nghẹt mũi.

Một số lời khuyên về dinh dưỡng thai kỳ tuần 16

Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ

special-mum-tuan-16-bo-sung-chat-xo

Ngay cả khi mẹ không bị táo bón trong 3 tháng đầu thai kỳ, thì sang 3 tháng giữa thai kỳ mẹ vẫn có thể đối mặt với tình trạng táo bón do sự tăng nhanh của hormone progesterone khiến các cơ trơn của cơ thể giãn ra, bao gồm cả cơ trơn đường tiêu hoá. Việc bổ sung thực phẩm chứa chất xơ không chỉ hạn chế được tình trạng bó bón thai kỳ mà còn có tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu, giảm các bệnh tim mạch, điều hòa đường huyết và làm giảm đậm độ năng lượng trong khẩu phần ăn. Chất xơ có nhiều trong rau, hoa quả, ngũ cốc (nhất là các loại hạt toàn phần), khoai củ.

Bổ sung sắt cho thai kỳ

Tuần thai thứ 16, mẹ cần chú ý việc bổ sung thêm sắt! Sắt đặc biệt quan trọng trong các tuần này của thai kỳ để sản xuất lượng hồng huyết cầu cho cơ thể để đảm bảo duy trì lượng máu nuôi dưỡng cơ thể cả mẹ và thai nhi. Nếu cơ thể không đủ sắt, mẹ có thể bị thiếu máu. Tình trạng này có thể khiến mẹ mệt mỏi và dễ mắc bệnh. Một số thực phẩm chứa nhiều sắt mẹ có thể bổ sung trong thai kỳ như các loại thịt đỏ, bông cải xanh, gà tây,.... Có thể tìm hiểu thêm: Bí quyết phòng tránh và điều trị thiếu máu thai kỳ

Các loại thực phẩm nên hạn chế sử dụng

Bên cạnh các thực phẩm nên bổ sung, một số thực phẩm mẹ bầu không nên sử dụng. Mẹ bầu không nên dùng các loại đồ uống chứa các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước chè đặc,... Hạn chế sử dụng các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi,... Giảm ăn mặn, đặc biệt với mẹ bầu đang bị phù, có cơ địa dễ phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén để tránh tai biến khi sinh em bé.

Trên đây là những thông tin về tuần thai thứ 16, cùng theo dõi thêm các kiến thức về tuần thai thứ 17 tại đây.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.parents.com/pregnancy/week-by-week/16/

2. https://www.verywellfamily.com/16-weeks-pregnant-4158998

3. https://www.momjunction.com/articles/16th-week-pregnancy-symptoms-baby-development-tips-body-changes_006639/

Tags : 40 tuần thai, Thư viện sức khỏe
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Special Mum Việt Nam
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn